Giá phế liệu nội địa tại Trung Quốc trong tuần 10 - 17/4 giảm 1,6% xuống 438 USD/tấn. Các nhà máy thép nước này tiếp tục cắt giảm công suất trong bối cảnh nhu cầu yếu và giá thép giảm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu thụ phế liệu.
Công suất của các nhà máy thép hồ quang điện của Trung Quốc trong tuần đó đã giảm 9 điểm phần trăm so với tuần liền trước – xuống 78,3%. Nguồn cung phế liệu cho các doanh nghiệp luyện kim giảm 9,9% xuống 309.000 tấn.
Các công ty thép sử dụng lò hồ quang điện (EAF) tiếp tục tuyên bố cắt giảm sản lượng để đối phó với tổn thất về lợi nhuận do giá thép giảm. Chỉ tính riêng tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam nước này, lượng tiêu thụ phế liệu đã giảm hơn 60%.
Giá nhập khẩu phế liệu tại Trung Quốc trong tuần 7 – 14/4 cũng giảm 1,2% xuống 410 USD/tấn. Thị trường phế liệu nhập khẩu vẫn ổn định ở mức thấp do các nhà sản xuất thép Trung Quốc có ít nhu cầu mua nguyên liệu này. Một số lời chào hàng đã được gửi đến người mua Trung Quốc, nhưng hầu như không có nhà máy nào bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu.
Nguyên liệu thô nước ngoài lúc này không được các nhà sản xuất thép Trung Quốc quan tâm nhiều do nhu cầu phế liệu trong nước cũng yếu. Tuy nhiên, sự quan tâm của người mua Trung Quốc đối với phế liệu Nhật Bản bắt đầu tăng lên, thể hiện qua việc giá phế liệu Nhật kỳ hạn giao gần tăng lên 410 USD/tấn.
Giá kim loại phế liệu của Mỹ trong tuần 10 – 17/4 giảm xuống 405 – 407 USD/tấn, so với 414 -418 USD/tấn một tuần trước đó. Giá phế liệu trong nước phải đối mặt với áp lực giảm hơn nữa do tâm lý trên toàn cầu yếu, nhu cầu xuất khẩu thấp và nguồn cung tăng đối với hàng hóa đấu thầu vào tháng Năm. Sự suy yếu trên thị trường Trung Quốc cũng góp phàn gây áp lực lên giá thép Mỹ, từ đó tác động đến giá phế liệu.